Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của bộ Tài chính hướng dẫn thi hành luật quản lý thuế; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật quản lý thuế và nghị định số 83/2013/NĐ-CP
Bộ tài chính mới ban hành Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định 83/2013/NĐ-CP. Thông tư 156/2013/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2013 và thay thế cho Thông tư số 28/2011/TT-BTC, trong đó có một số điểm như:
1. Người nộp thuế (NNT) đăng ký thuế nhưng chưa thông báo các tài khoản tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng với cơ quan thuế thì phải thông báo bổ sung theo mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư này, thời hạn chậm nhất ngày 31 tháng 12 năm 2013. Khi có thay đổi, bổ sung số tài khoản thì phải thông báo trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày phát sinh sự thay đổi.
2. Hồ sơ khai thuế GTGT có bổ sung Bảng kê hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thuế suất 0% theo mẫu số 01-3/GTGT.
3. Một số ví dụ hướng dẫn xác định đối tượng kê khai thuế GTGT theo tháng / quý:
-
Doanh nghiệp B bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh từ tháng 8/2013 thì từ kỳ khai thuế tháng 8/2013 đến kỳ khai thuế tháng 12/2014, doanh nghiệp B thực hiện khai thuế GTGT theo tháng. Doanh nghiệp căn cứ vào doanh thu của năm 2014 (đủ 12 tháng của năm dương lịch) để xác định năm 2015 thực hiện khai thuế theo tháng hay theo quý.
-
Doanh nghiệp C năm 2012 có tổng doanh thu là 18 tỷ đồng nên thuộc diện khai thuế GTGT theo quý từ ngày 01/7/2013. Doanh thu của năm 2013; 2014; 2015 hoặc 2016 là 25 tỷ đồng thì doanh nghiệp C vẫn tiếp tục thực hiện khai thuế GTGT theo quý đến hết năm 2016. Từ năm 2017 sẽ xác định lại chu kỳ khai thuế mới dựa trên doanh thu của năm 2016.
-
Doanh nghiệp E năm 2012 có tổng doanh thu là 17 tỷ đồng nên thuộc diện khai thuế GTGT theo quý từ ngày 01/7/2013. Năm 2014, cơ quan thuế thanh tra kết luận doanh thu tính thuế GTGT của năm 2012 là 22 tỷ, thì từ năm 2015 đến hết năm 2016 doanh nghiệp E thực hiện khai thuế GTGT theo tháng. Từ năm 2017 sẽ xác định lại chu kỳ khai thuế mới dựa trên doanh thu của năm 2016.
-
Doanh nghiệp G năm 2012 có tổng doanh thu là 17 tỷ đồng nên thuộc diện khai thuế GTGT theo quý từ ngày 01/7/2013. Năm 2014, Doanh nghiệp G tự khai bổ sung doanh thu tính thuế GTGT của năm 2012 tăng thêm 5 tỷ so với số liệu kê khai là 22 tỷ, thì từ năm 2015 đến hết năm 2016 doanh nghiệp G thực hiện khai thuế GTGT theo tháng. Từ năm 2017 sẽ xác định lại chu kỳ khai thuế mới dựa trên doanh thu của năm 2016.
4. Một số ví dự hướng dẫn xác định đối tượng kê khai thuế TNCN theo tháng/quý:
-
Năm 2014 Công ty A được xác định thuộc diện khai thuế GTGT theo quý thì năm 2014 Công ty A thuộc diện khai thuế TNCN theo quý, không phân biệt trong năm 2014 Công ty A thực tế có phát sinh khấu trừ thuế TNCN trên 50 triệu đồng hay dưới 50 triệu đồng.
-
Năm 2014 Công ty A được xác định thuộc diện khai thuế GTGT theo tháng; tháng 1, tháng 2 không phát sinh khấu trừ thuế TNCN của bất kỳ tờ khai nào; tháng 3 phát sinh khấu trừ thuế TNCN tại Tờ khai số 02/KK-TNCN nhỏ hơn 50 triệu đồng và Tờ khai 03/KK-TNCN là 50 triệu đồng (hoặc lớn hơn 50 triệu đồng); Các tháng 4 đến tháng 12 phát sinh khấu trừ thuế TNCN tại các Tờ khai 02/KK-TNCN và 03/KK-TNCN nhỏ hơn 50 triệu đồng thì Công ty A không phải nộp tờ khai của các tháng 1 và tháng 2. Từ tháng 3 Công ty A được xác định thuộc diện khai thuế TNCN theo tháng.
5. Bổ sung hồ sơ khai thuế, một số điểm mới đáng lưu ý:
-
Trường hợp chưa nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì NNT được khai bổ sung hồ sơ khai thuế tạm nộp của tháng, quý có sai sót.
-
Trường hợp đã nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì NNT chỉ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm. Trường hợp hồ sơ khai bổ sung làm giảm số thuế phải nộp thì được khai bổ sung hồ sơ khai tháng, quý.
-
Trường hợp số thuế GTGT còn được khấu trừ tăng hoặc giảm theo kết luận, quyết định xử lý về thuế của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền, NNT khai điều chỉnh vào hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế nhận được kết luận, quyết định xử lý về thuế (không phải lập hồ sơ khai bổ sung).
-
Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế nhưng không làm thay đổi số tiền thuế thì chỉ lập Tờ khai thuế của kỳ tính thuế có sai sót đã được bổ sung, điều chỉnh và gửi tài liệu giải thích kèm theo, không phải lập mẫu số 01/KHBS.
-
Ngoài ra, thông tư còn đưa ra ví dụ kê khai thuế bổ sung cho 11 trường hợp cụ thể.